Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Tại sao Việt kiều dám nói thật?

Nguyễn Văn Tuấn

Hôm qua đọc được bài phỏng vấn này (1) mà tôi nghĩ là hay, nên sáng nay có cảm hứng viết vài dòng bình luận. Ông Nguyễn Như Mai (người được phỏng vấn) tỏ ra là người am hiểu điều kiện làm việc ở nước ngoài, và cũng hiểu nguyện vọng của những du học sinh muốn ở lại nước ngoài. Hiếm thấy ai ở trong nước có cái nhìn công tâm như ông. Câu mà ông nói theo tôi là thành thật nhất và đúng nhất là câu này: “[…] chỉ những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.”

Tại sao người Việt ở nước ngoài dám nói điều mình nghĩ, còn đồng hương trong nước thì không dám? Tôi nghĩ đến sự khác biệt về những yếu tố liên quan đến tự do tư tưởng, tự do học thuật, sự tiếp cận thông tin, và thói quen đặt câu hỏi. Những yếu tố này, theo tôi, giải thích tại sao người Việt ở nước ngoài sống thật với mình hơn là người Việt ở trong nước. (Khi tôi nói “nước ngoài” tôi đề cập đến các nước như Tây Âu, Bắc Mĩ, Úc).

Thứ nhất là tự do tư tưởng được luật pháp bảo vệ. Ở nước ngoài, công dân có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và các quyền này được luật pháp bảo vệ. Luật pháp Úc viết rất rõ rằng công dân có quyền có ý kiến, cho dù ý kiến đó khác với ý kiến của đa số, mà không bị ai can thiệp và ngăn cấm. Ý kiến có thể là qua nói, viết sách và trên internet, hoạ, điêu khắc, v.v. Do đó, công dân có quyền phát biểu về bất cứ vấn đề gì mà họ quan tâm. Dĩ nhiên, tự do cũng có giới hạn, nhưng sự giới hạn đó được luật pháp minh định. Có những chuyện xảy ra làm tôi ngạc nhiên. Ví dụ như có lần một giáo sĩ Hồi giáo trong một bài giảng đạo ông một cách gián tiếp ủng hộ những người tham gia khủng bố ở Trung Đông [theo tôi hiểu]; ấy thế mà khi ra toà, ông được tuyên bố vô tội, vì toà phán ông có quyền bày tỏ quan điểm! Thật khó hiểu, nhưng sự việc rõ ràng thể hiện một sự tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Mỗi ngày, mở bất cứ tờ báo nào, bật tivi, mở radio, công chúng nghe những ý kiến phê bình Chính phủ, phê phán thủ tướng và bộ trưởng, thậm chí có người làm show hài đễ diễu cợt các chính khách. Đừng nghĩ các chính khách không theo dõi; họ cũng có xem và nghe, nhưng không làm gì được người dân vì họ có quyền phát biểu.

Còn ở Việt Nam tuy rằng hiến pháp có ghi tự do ngôn luận và vài thứ tự do khác, nhưng hình như chưa đề cập đến tự do tư tưởng. Hiến pháp ghi rằng “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.” Nhưng hài hước một điều là ngay sau câu đó thì cũng Hiến pháp thòng theo một câu “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Vả lại, quyền tự do chỉ có giá trị trên giấy, vì trong thực tế những gì xảy ra không đẹp như ghi trong Hiến pháp. Các cá nhân phê phán đường lối chính sách của Nhà nước đều bị xách nhiễu hay thậm chí nặng hơn là bị bỏ tù. Cán bộ công nhân viên phê bình Nhà nước thì bị trù dập hoặc kỉ luật. Hai chữ “phản động” được gán ghép một cách tuỳ tiện cho những ai có suy nghĩ khác với Nhà nước và đảng. Tôi không nghĩ ra được ở nơi nào trên thế giới mà bỏ tù người yêu nước chống quân xâm lăng, nhưng VN lại làm chuyện đó!

Thứ hai là tự do học thuật. Đối với sinh viên và nghiên cứu sinh hay những người làm việc trong môi trường đại học thì tự do học thuật (academic freedom) là một “ngôi đền” trang trọng. Theo lí tưởng của tự do học thuật, giảng viên và sinh viên trong đại học có quyền tự do nghiên cứu, tự do giảng dạy và tự do học hỏi và tìm hiểu mà không bị kiểm duyệt, đàn áp, hay chi phối bởi các thế lực chính trị và kinh tế. Nhưng ở VN, tự do học thuật là cái gì còn xa xỉ, nhất là trong khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều giáo sư VN than phiền rằng khoa học xã hội ở VN chỉ có chức năng chính là minh hoạ cho đường lối của đảng và Nhà nước. Những nghiên cứu với kết quả không phù hợp với một chủ trương nào đó không được công bố. Có những chủ đề, ví dụ như Hồ Chí Minh, được xem là cấm kị, nên chẳng ai nghiên cứu. Nhà văn Nhã Thuyên làm nghiên cứu về nhóm văn chương “Mở Miệng” là bị báo chí chỉ trích y như thời Nhân văn Giai phẩm, và bằng cao học của chị bị thu hồi. Đó là những minh hoạ sinh động về sự thiếu tự do học thuật ở VN.

Một môi trường thiếu tự do học thuật rất khó thu hút nghiên cứu sinh hay các giáo sư, và khoa học rất khó phát triển. Không ai muốn giam hãm mình trong môi trường bị ai đó kiểm soát, ngăn cản không cho nghiên cứu cái này, không được công bố cái kia. Nhà khoa học là người yêu tự do, họ không thích ai “xỏ mũi” họ, họ sẽ không bao giờ đi giảng dạy hay làm việc cho những đại học thiếu tự do học thuật. Thiếu tự do học thuật làm ảnh hưởng xấu đến khoa học nước nhà. Chúng ta thấy vấn đề tranh chấp Biển Đông, VN chẳng có bao nhiêu nghiên cứu, nhưng ở nước ngoài thì khá nhiều. Hoặc như đời tư và sự nghiệp của Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu nước ngoài có khi còn có nhiều thông tin hơn các đồng nghiệp trong nước vì họ có nhiều nghiên cứu hơn và chẳng ai ngăn cấm không cho họ công bố. Trên báo chí, VN kêu gọi các chuyên gia nước ngoài về làm việc ở VN, nhưng với những hạn chế về tự do học thuật (chưa nói đến kiểm soát tư tưởng) thì làm sao lời kêu gọi đó thành hiện thực được.

Thứ ba là người dân nước ngoài được tiếp xúc nhiều nguồn thông tin. Ở những nước phương Tây, người dân được tiếp xúc với rất nhiều nguồn thông tin, nhất là qua phương tiện internet. Bất cứ một vấn đề nào cũng có nhiều cách nhìn, và qua đó, nó giúp cho người tiếp cận thông tin không cảm thấy mình bị nhồi sọ. Chẳng hạn như tai nạn máy bay MH17, người dân ở nước ngoài được tiếp cận thông tin từ các nước như Nga và khối Ả Rập, chứ không chỉ các nước phương Tây. Do đó, người dân có thể có cái nhìn toàn cảnh, và có thể phân tích ai đúng ai sai.

Ngay cả các vấn đề VN, nhiều khi ở ngoài này, Việt kiều có nhiều thông tin hơn và nhanh hơn đồng hương ở trong nước. Vụ bạo động ở Tây nguyên, Việt kiều có thông tin trước khi báo chí VN đưa tin 2 ngày! Đại đa số người dân trong nước không biết đến công hàm Phạm Văn Đồng, nhưng Việt kiều đã biết từ 30 năm qua, thậm chí còn biết một thứ trưởng VN là ông Ung Văn Khiêm (2) từng tuyên bố với Tàu cộng vào năm 1956 rằng “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.” Có điều khá buồn cười là khi các quan chức cao cấp từ VN sang đây gặp bà con Việt kiều, trong các buổi tiếp kiến, họ đọc một tràng dài về những số liệu kinh tế (nhưng không bao giờ dám nói [hoặc từ chối nói] các vấn đề như biển đảo và quan hệ với Tàu), và lúc nào cũng kèm theo câu “bà con thiếu thông tin”!

Ở VN thì thông tin vẫn có nhưng là loại thông tin một chiều và hạn chế. Điều này dễ hiểu vì toàn bộ hệ thống truyền thông là của đảng và do đảng điều khiển. Nếu nhìn vào con số như VN có 838 tờ báo in, 95 báo điện tử, 67 đài phát thanh & truyền hình, v.v. có vẻ rất tốt, nhưng thật ra tất cả chỉ có 1 tổng biên tập! Phần lớn chỉ truyền đi một số thông tin giống nhau, và mang tính tuyên truyền. Thông tin bị kiểm duyệt nghiêm trọng. Cứ xem qua những bản tin liên quan đến tai nạn máy bay MH17 thì rõ VN chỉ cung cấp thông tin một chiều. Bật truyền hình, chúng ta sẽ thấy những bản tin về lãnh đạo đi thăm nơi này, tiếp chính khách kia, và những bản tin về kinh tế với những con số chính xác đến 0.01%. Tôi có cảm giác đó là những thông tin dành cho quan chức, chứ không phải dành cho người dân.

Người dân có điều kiện thì dùng truyền hình cáp để tiếp cận với thông tin từ các đài truyền hình nước ngoài. Nhưng ngay cả các đài truyền hình ở nước ngoài cũng bị kiểm duyệt khi truyền đi ở VN! Còn internet tuy có gần 1/3 dân số nối mạng, nhưng có rất nhiều trang web và blog bị chận. Đối với người nước ngoài quen với thông tin mở đến VN là chấp nhận mù thông tin.

Thứ tư là người nước ngoài có thói quen đặt câu hỏi và tìm vấn đề. Vì có tự do và thông tin, nên người học ở nước ngoài dám suy nghĩ khác người, suy nghĩ mà người phương Tây gọi là ngoài cái hộp (thinking outside the box). Thật ra, ngay từ lúc còn nhỏ ở bậc tiểu học, học trò đã khuyến khích tự mình tìm hiểu thế giới chung quanh, đặt câu hỏi, và tranh luận trước lớp học. Họ được khuyến khích đặt câu hỏi, phát hiện vấn đề. Do đó, khi lớn lên, họ nhìn đâu cũng thấy vấn đề và rất hăng hái giải quyết vấn đề.

Tôi kể một chuyện cá nhân nhưng có liên quan: có lần tôi chứng kiến cảnh tượng ở một khách sạn trên đường 3/2 (Sài Gòn), hôm đó mưa ngập đường xá, khách từ khách sạn muốn ra ngoài phải đi qua một cái cầu tạm bợ. Trong khi chờ xe, tôi thấy một anh khách người Mĩ độ 35 tuổi, đem máy quay phim và máy tính laptop xuống lobby. Anh ta với quần short và áo mưa, xông xuống đường, dầm mưa, quay phim, và khi vào lobby anh dùng đường truyền internet gửi phim về Mĩ. Qua Skype anh ta mô tả tình trạng ngập nước ở đây cho một người bạn, rồi bàn với người bên Mĩ về cách giải quyết vấn đề. Anh nói: “I want solve this problem for them” (tao muốn giải quyết vấn đề này cho họ). Tôi mon men đến hỏi anh ta đến đây lâu chưa, anh nói mới 3 ngày thôi chưa đi du lịch đâu cả vì mưa quá, và anh ta là kĩ sự cầu đường. Tôi nghĩ anh này đúng là Mĩ. Họ được huấn luyện phát hiện vấn đề, và chinh phục vấn đề, dù vấn đề chẳng liên quan gì đến họ. Người Mĩ có cái nhìn toàn cầu, làm cái gì cũng nghĩ sản phẩm này có bán cho khắp thế giới, vấn đề này có thể giúp cho thế giới, v.v. Đó là suy nghĩ tích cực, chứ không phải yếm thế như ở VN.

Nhiều người ở VN ngạc nhiên không hiểu tại sao Việt kiều có quá nhiều ý kiến, nhận xét. Đụng đến cái gì ở VN họ đều chê, chỉ trích, và phê phán. Có những vấn đề mà người trong nước xem là bình thường, nhưng Việt kiều xem là bất bình thường. Trước thái độ đó, người Việt ở trong nước thường nghĩ rằng “bọn Việt kiều phách lối, nhiều chuyện”. Nhưng đó là hiểu lầm. Họ không biết rằng sống ở nước ngoài lâu năm hay được trưởng thành từ hệ thống giáo dục nước ngoài, Việt kiều quen với cách đặt vấn đề và phê phán (vì ở nước ngoài họ tiếp xúc hàng ngày như thế). Việt kiều khi về VN nhìn đâu cũng thấy vấn đề (vì quả thật VN có quá nhiều vấn đề) và có nhiều ý kiến là rất bình thường, và họ cũng chẳng có chống đối hay “phản động” gì, vì đó là một nét văn hoá của họ.

Nhưng ở VN, phương pháp giáo dục phổ thông đòi hỏi học sinh phải nhồi nhét một số kiến thức cơ bản, và giải quyết những vấn đề theo một công thức đã định sẵn, nhưng không khuyết khích cách đặt vấn đề, phát hiện vấn đề. Sự tôn ti trật tự trong học thuật đó đòi hỏi người học sinh và sinh viên phải biết mình đang ở vị trí không có quyền đặt vấn đề, không có quyền tranh luận. Hệ quả là chưa lên tiếng thì đã bị phê bình ngay “con nít mới học vài ba chữ biết gì mà nói”, hay “không biết thì dựa cột mà nghe”, hay thậm chí “hỗn với thầy cô”. Thái độ trù dập như thế làm thui chột khả năng phát hiện vấn đề và làm suy giảm sự tự tin của học sinh. Khi lớn lên trong một thể chế bán phong kiến bán Mao-Stalin cùng với bóp nghẹt thông tin làm cho người dân thiếu tự tin và không dám suy nghĩ đến những vấn đề “quốc gia đại sự” (vì đã có Nhà nước lo!)

Tất cả 4 yếu tố trên đều có chung một cái gốc: tự do. Người nước ngoài có quyền tự do ngôn luận và quyền đó được pháp luật bảo vệ, còn VN thì không. Đó chính là lí do tại sao “những người đã học ở nước ngoài […] sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng.” Đó là lí do tại sao người dân thích chọn tự do hơn là môi trường thiếu tự do.

Một khác biệt rất căn bản và rõ rệt giữa VN và các nước phương Tây (như Úc chẳng hạn) là mối liên hệ giữa công dân và Nhà nước. VN có điều luật 88 trong Bộ luật hình sự phạt những ai “tuyên truyền chống Nhà nước”. Nhưng ở Úc thì luật pháp cho phép người dân có quyền phê phán mang tính chống Nhà nước và chống các chính khách của Nhà nước. Phê phán có thể bằng tất cả các hình thức từ nói, viết đến hội hoạ (mà hiểu theo VN là “tuyên truyền”).

Ở nước ngoài, không có một Nhà nước nào dám nghĩ đến việc kiểm soát tư tưởng, theo dõi suy nghĩ của người dân. Nhưng Việt Nam có cả một bộ máy từ trung ương đến địa phương chuyên theo dõi tư tưởng và suy nghĩ của người dân. Bộ máy này đó thậm chí còn muốn có mặt trong đầu của dân để kiểm soát tư tưởng trước khi người dân phát biểu. Do đó, không ngạc nhiên khi người dân sống trong lo sợ. Họ không biết những gì mình phát biểu có sai hay không. Có người còn sợ đến nỗi không dám bấm nút “like” hay viết nhận xét trong các trang mạng xã hội! Một môi trường ngột ngạt như thế rất khác với môi trường tự do ở nước ngoài. Do đó, không khó giải thích tại sao phần lớn các em du học sinh thích ở lại nước ngoài chứ không muốn về Việt Nam.

Thật ra, cũng chẳng riêng gì các em du học sinh, đại đa số người dân VN đều trân quí tự do và đi tìm tự do ở phương Tây. Người có điều kiện thì qua du học hay qua các hình thức chính thức khác. Người không có điều kiện thì liều mình vượt biên (cho đến nay vẫn còn hàng ngàn người Việt liều mình trên biển để đi tìm tự do). Cũng chẳng có gì ngạc nhiên vì con người, như là một qui luật, thích chọn môi trường tự do để sinh sống.

——
(1)http://infonet.vn/1213-quan-quan-olympia-khong-ve-nuoc-nhung-nguyen-nhan-chua-xot-post139487.info

(2)http://195.188.87.10/vietnamese/vietnam/2014/01/140120_duongtrungquoc_hoangsa_northvietnam.shtl

Nguồn: FB Nguyen Tuan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét