VNN - Chúng ta không cổ súy cho tình trạng bạo lực y đường, nhưng trong khi chờ đợi một cơ chế trả lại sự trân quý và tôn nghiêm cho bệnh viện, có lẽ các y, bác sỹ cũng nên tự vấn mình.
Trong lúc ngành giáo dục còn đang đau đầu với bạo lực học đường thì ngành y cũng lao đao với tình trạng bạo lực bệnh viện, khi mà hàng loạt các vụ gây hấn trong bệnh viện đã diễn ra thời gian gần đây.
Ai nhớ lời thề Hippocrates?
Ít nhiều, các cô cử cậu cử ngấp nghé vào trường ĐH có lẽ đều nằm lòng câu: Nhất y nhì dược…
Nhất, ngoài tiềm năng xin việc, có cơ hội kiếm tiền hơn các nghề khác trong xã hội, thì có lẽ còn bao hàm cả ý nghĩa về sự cao quý nữa.
Vì lẽ đó, tất cả các sinh viên sắp tốt nghiệp, trước khi ra trường và chuẩn bị hành nghề y đều phải học Lời thề Hippocrates như một tuyên thệ: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi phương pháp có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”. Nhưng liệu rằng, sau nhiều năm cầm xi-lanh, dao kéo, có mấy người còn nhớ?
Phần lớn những người mới vào nghề đều có khát khao, có lý tưởng và mong muốn được cống hiến. Nhưng môi trường nào con người đó, một thời gian nếu không thích nghi thì sẽ bị cô lập hoặc đào thải. Nhiều BS đã viện cớ “cơ chế đãi ngộ” của ngành y, vất vả của ngành… để lý giải cho thái độ “thờ ơ, vô cảm” thậm chí “hắt hủi” người bệnh ở các cơ sở công lập.
Người dân, bất đắc dĩ đến bệnh viện, vốn đã là chuyện khổ sở. Người nhiều tiền có nhiều lựa chọn, không phòng khám đa khoa quốc tế thì cũng là “bệnh viện khách sạn”. Được ân cần, nhẹ nhàng ngay, bởi giá dịch vụ chi ra cao gấp vài chục lần thang viện phí nhà nước. Còn lại, dân “thường thường bậc trung” và người nghèo thì sao? Ở nơi cận kề bệnh tật, cái chết, lẽ ra phải làm cho bệnh nhân cảm thấy an lòng, yên tâm điều trị nhất thì chính nhiều y, bác sỹ lại làm cho người ta thấm thía đến cùng sự cơ cực, nhục nhã của cảnh bần hàn, là sao? Những câu chuyện về thái độ ân cần của y bác sĩ với người nghèo, hầu như chỉ còn trong “hoài cổ”, ngay cả trong câu chuyện của chính các vị bác sĩ giàu lương tri.
Từ lâu, phong bì đã là đầu câu chuyện trong bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công lập. Bên bị bệnh và bên chữa bệnh đều đương nhiên xem đó như là một phần của quá trình khám chữa bệnh. Như là bệnh án, là đơn thuốc vậy. Có vẻ như, phong bì là liều doping giúp người bệnh yên tâm khi giao phó sinh mệnh cho y, bác sỹ và và giúp cho các y, bác sỹ có được sự nhiệt tình cần thiết để chữa trị.
Những y, bác sỹ có tâm, có tài chắc chắn vẫn hiện diện đâu đó trong xã hội này, vẫn là niềm an ủi không nhỏ cho các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân nghèo. Nhưng có lẽ, con số đó là quá ít ỏi, và những việc làm thầm lặng của họ là không đủ để xóa đi ấn tượng phổ biến về phần lớn những người thầy thuốc hiện tại.
Các y, bác sỹ sẽ giải thích thế nào khi nền y học càng phát triển thì tỷ lệ sản phụ và thai nhi tử vong dường như lại nhiều hơn?
Sẽ giải thích thế nào khi bệnh nhân sắp chết mà không được cấp cứu vì người nhà chưa xuất hiện, em bé bị tiêm thuốc độc do nhầm với vắc - xin, và kết quả xét nghiệm thì được nhân bản hàng loạt?
Biết trách ai?
Rất nhanh chóng và gần như ngay lập tức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ khởi tố vụ án đối với những hành vi gây rối trong bệnh viện, hành hung y, bác sỹ. Vì mọi chuyện hầu như đã “hai năm rõ mười”.
Nhưng liệu đã có mấy y, bác sỹ đã phải ra tòa vì những sự cố chết người (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng), thay vì chờ hết cơ quan nọ đến cấp trên kia thanh tra, kết luận, và cuối cùng chỉ còn lại sự uẩn ức và những câu hỏi treo lơ lửng.
Dao không cứa vào thịt sao mà thấy đau. Có lẽ, chỉ khi nào là cha mẹ, con cái, anh em, họ hàng… mới thấu được cái cảm giác máu chảy ruột mềm mà những người, kể cả những người là thầy thuốc, không thể nào hiểu được.
Chúng ta không cổ súy cho bạo lực, nhưng khi bệnh viện không còn là thánh đường của nghề y, nơi để những con người có tâm đức, có trình độ níu kéo sự sống khỏi lưỡi hái của tử thần, thì việc những kẻ thô tục mạo phạm cũng là điều dễ hiểu. Áp dụng hình phạt cho những phần tử này, nghĩa là mới quan tâm đến phần ngọn của vấn đề. Cái ngọn này bị chặt đi, cái ngọn khác lại sẽ mọc lên.
Phải thắng thắn và đau xót nhìn nhận vào nguyên nhân thực sự, rằng đã có không ít y bác sĩ, vì bức xúc với cơ chế, với đãi ngộ chung của xã hội, với lương thưởng, với bất cập của ngành, nên đã trút mệt mỏi, quá tải lên đầu người bệnh. Vậy là đồng tiền xuất hiện làm biến tướng mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân.
Một vài người lên án, có thể không cần quan tâm, một vài chục người lên án, có thể cũng chưa cần quan tâm. Nhưng khi rất nhiều người lên án, thì cách tốt nhất là nên xem lại bản thân mình. Không nên để nghề y và một bộ phận những người “như từ mẫu” đã làm việc trong môi trường nhiều vi khuẩn, độc hại lại cũng bị nhiễm căn bệnh vô cảm.
Đành rằng lương của y, bác sỹ không đủ sống để phục vụ và cống hiến. Nhưng đây là câu chuyện của các nhà hoạch định chính sách. Lẽ nào các thầy thuốc lại tự cho mình cái quyền được cải thiện rồi dẫn tới “móc túi” người bệnh để bù đắp vào khoản thiếu hụt đó. Chúng ta không cổ súy cho tình trạng bạo lực trong y đường, nhưng trong khi chờ đợi một cơ chế trả lại sự trân quý và tôn nghiêm cho bệnh viện, có lẽ các y, bác sỹ cũng nên tự vấn mình.
Nếu không đủ yêu thương và kiên nhẫn, xin hãy chọn một con đường khác, ít nhọc nhằn và cám dỗ hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét