VNN - Nếu việc công khai danh tính được thực thi, liệu người bán lẫn người mua dâm có còn cơ hội được sửa sai không khi mà xã hội còn có một cái nhìn rất khắt khe đối với vấn đề tình dục?
Mới đây UBND TP.Hà Nội vừa đề xuất Quốc hội bổ sung Điều 22 trong Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, trong đó có quy định công khai danh tính người mua dâm đến các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương. Một đề xuất mà theo ban lãnh đạo TP.Hà Nội có thể hy vọng đẩy lùi được tệ nạn mại dâm trong cộng đồng xã hội hiện nay.
Có còn cơ hội sửa sai?
Cũng như đề xuất cấm bán bia rượu sau 22 giờ, đề xuất này nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận. Phần lớn dư luận, đặc biệt là các chị em phụ nữ đều tỏ ra hoan nghênh ủng hộ đề xuất này sớm đi vào cuộc sống. Vì theo họ điều này sẽ khiến các quý ông ngại hơn trong việc tìm gái mua dâm, góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình, đồng thời làm suy giảm tệ nạn mại dâm trong cộng đồng xã hội.
Và cũng không ít người, đặc biệt là các quý ông tỏ ra bất bình, phản đối đề xuất này, vì theo họ tình dục là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, không ai có thể ngăn cấm được. Hơn nữa việc công khai danh tính sẽ làm hạ thấp uy tín, danh dự của người mua dâm và đồng thời làm nhục cả gia đình của họ.
Với một xã hội còn rất coi trọng vấn đề đạo đức, thuần phong mỹ tục và tình dục luôn được xem là một chủ đề nhạy cảm, thì việc công khai danh tính người mua dâm liệu có thực sự khả thi?
Sự đồng tình của các chị em phụ nữ cũng là điều dễ hiểu, đơn giản vì họ không muốn mình bị đối xử như gái mại dâm. Thế nhưng các chị em đâu thể hiểu được những khó khăn của các quý ông khi bị ức chế. Nếu người chồng quá bức bách vì nhiều lý do (vợ mang thai hay đang mắc bệnh phải kiêng kữ), họ đi tìm gái mại dâm và rồi chẳng may bị bắt.
Vậy thì liệu những bà vợ của ông chồng đó có thể sống một cách thoải mái không, khi mà hằng ngày phải đối mặt với những ánh mắt, cử chỉ mang tính dò xét, kì thị ở hàng xóm, cơ quan vì người chồng của mình bị công khai danh tính với tội mua dâm. Và liệu những đứa con của ông chồng, bà vợ ấy có tránh được những cái nhìn dò xét, kì thị?
Đối với những người độc thân, những người không có bạn trai/bạn gái hay những người ly hôn, liệu họ có thể thăng tiến trong công việc hay muốn tìm kiếm bạn đời của mình không, khi mà ngày ngày phải đối mặt với việc tên tuổi của mình bị bêu riếu ở cơ quan, làng xã, chính quyền địa phương?
Trước đây, tôi từng có một thời gian nghiên cứu về tình hình gái mại dâm ở các thành phố lớn và nông thôn. Tôi nhận thấy có nhiều trường hợp từng được đưa vào trường giáo dưỡng, thế nhưng sau khi được đưa ra họ lại trở lại con đường cũ. Khi hỏi lý do tại sao, họ trả lời rằng, họ cảm thấy rất khó khăn khi tiếp cận những dịch vụ xã hội như việc làm, khám chữa bệnh,… do đã từng là gái bán dâm.
Cùng với đó, họ phải chịu rất nhiều áp lực từ cuộc sống, khi ngày này phải đối mặt với sự kì thị, phân biệt đối xử của cộng đồng nơi họ sinh sống. Chính vì vậy, họ không còn con đường nào khác là quay trở lại con đường bán dâm.
Trở lại vấn đề trên, nếu việc công khai danh tính được thực thi thì liệu người bán lẫn người mua dâm có còn cơ hội được sửa sai không khi mà xã hội còn có một cái nhìn rất khắt khe đối với vấn đề tình dục?
Với những phân tích trên, tôi thiên về hướng không nên công khai danh tính người mua dâm mà thay vào đó nên hợp pháp hóa mại dâm.
Việc đề xuất công khai danh tính của người mua dâm của UBND TP.Hà Nội mặc dù chưa được triển khai thực thi, nhưng hậu quả trước mắt cũng có thể thấy rõ, nếu như chúng ta thử đặt vào tình hình xã hội hiện nay.
Ở một xã hội mà giá trị đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục còn ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của phần lớn người dân, thì việc áp dụng quy định công khai danh tính người mua dâm, sẽ chỉ càng làm cho tình hình xã hội trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn. Để có thể làm suy giảm tệ nạn mại dâm chúng ta không còn cách nào khác là nên hợp pháp hóa mại dâm thay vì nghiêm cấm như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét