(PetroTimes) - Ở loạt bài trước chúng tôi có đề cập đến vấn đề “Trẻ hóa tình trạng loạn thần” đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Tuy nhiên, loạn thần mới là một trong rất nhiều nguyên nhân đẩy người bệnh đến trạng thái nặng hơn là tâm thần. Lý giải nguyên nhân vì sao bệnh tâm thần lại gia tăng và có nguy cơ trở thành căn bệnh của thời đại, Năng lượng Mới xin giới thiệu thêm những căn nguyên để bạn đọc được rõ.
Bệnh của thời đại?
Kết quả khảo sát mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương đưa ra gần đây về tỷ lệ người có rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm 15-20% dân số. Tuy nhiên, theo TS.BS chuyên khoa La Ðức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương thì: Ðó mới chỉ là con số “khiêm tốn” nếu có đủ điều kiện, đủ kinh phí để khảo sát kỹ hơn thì số người Việt có nguy cơ mắc chứng tâm thần có thể chiếm một nửa dân số.
Dẫn lời về nhận định bệnh tâm thần gia tăng, ông La Ðức Cương cho rằng: “Việc gia tăng này không chỉ riêng ở Việt Nam mà là tình hình chung trên thế giới. Hiện tại, để khảo sát một cách kỹ càng thì phải dựa trên 300 mã bệnh tâm thần thường gặp. Nhưng vì không có điều kiện về kinh phí nên con số thống kê tại Việt Nam được đưa ra mới chỉ là nghiên cứu trên 10 rối loạn thường gặp với hơn 100 mã bệnh, còn lại gần 200 mã bệnh vẫn chưa có điều kiện khảo sát. Theo báo cáo của các nước có tỷ lệ khá cao như Pháp, Mỹ… số lượng người có nguy cơ mắc bệnh tâm thần lên đến 59%, ở các nước phát triển khác cũng lên tới 50% dân số. Như vậy đồ rằng, Việt Nam cũng không ngoại lệ”. Thêm nữa, dự án nghiên cứu về tầm nhìn của WHO đến năm 2020 cũng có nhận định: “Sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ nhì, chỉ sau các bệnh về tim mạch”. Và một thực tế là những năm gần đây số lượng người mắc bệnh tâm thần đang gia tăng và đang trở thành mối lo ngại của thời đại.
Khảo sát từ Bệnh viện Tâm thần Trung ương thấy rằng, những năm gần đây, bệnh tâm thần gia tăng mà nổi cộm nhất là xuất phát từ những sang trấn tâm lý rất bình thường như: Mất ngủ, ăn kém ngon miệng, giảm hứng thú, giảm giao tiếp, cảm giác uể oải mệt mỏi, giảm khả năng suy nghĩ, giảm trí nhớ, tâm lý bất an, có một số hành vi không phù hợp… Ngay như tình trạng mất ngủ kéo dài hay suy nghĩ mông lung cũng là một dạng rối loạn sức khỏe tâm thần khá phổ biến. Ðể rồi khi làm việc quá sức, học tập quá tải phát sinh bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, mất trí…
Theo TS.BS chuyên khoa La Ðức Cương thì: “Nguyên nhân gia tăng các hiện tượng này là do con người ngày càng phải đối mặt nhiều với những thiếu thốn kinh tế, áp lực công việc, học hành căng thẳng, những biến đổi trong đời sống cá nhân, khi xã hội phát triển thì tác động từ mặt trái của các trào lưu càng nhiều”. Ðáng nói ở chỗ, những bệnh lý tâm thần này lại thường không được chú ý. Ghi nhận tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, một tình trạng chung là chỉ khi bệnh nhân có những triệu chứng nặng nề được biểu hiện qua hành vi mạnh thì người nhà mới đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị. Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần Trung ương tiếp nhận điều trị cho hơn 700 bệnh nhân, trong số đó rất nhiều người đã được tư vấn về những triệu chứng mắc phải ở giai đoạn trước bệnh nhưng đều chủ quan cho rằng không cần thiết, để rồi khi quay lại điều trị thì bệnh đã nặng.
Không được chủ quan
Gặp chị Hoàng Thị Sinh (Trương Ðịnh, Hoàng Mai, Hà Nội) khi chị đi nuôi con tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương, ai chứng kiến cũng phải cảm thương cho chị. Nuôi con đơn thân nhưng đứa con duy nhất là em P.V.H năm nay em 16 tuổi, đến nay đã 4 năm hai mẹ con cùng… ăn cơm bệnh viện. Với chị Sinh thì 4 năm “ăn chực nằm chờ” ở bệnh viện là nỗi ác mộng. Cứ nhắc đến chị lại hối hận chỉ vì quá ham kiếm tiền mà không chú ý đến những triệu chứng bệnh của con, để đến khi bệnh chuyển sang tâm thần phân liệt chị mới tá hỏa. Theo chị Sinh thì trước con chị chỉ bị mất ngủ, nghĩ con lo học hành nhiều mới bị như vậy nên chị cũng không quá quan tâm. Chỉ đến khi con có hành vi nói không kiểm soát, hay bỏ nhà đi chị mới nghĩ đến việc đưa con đi khám. Ðiều đáng nói là, trường hợp của chị Sinh không phải là duy nhất ở bệnh viện này.
Khảo sát ở hai khoa Ðiều trị cấp tính nam và Ðiều trị cấp tính nữ của bệnh viện thì đa phần các bậc phụ huynh đều bày tỏ tiếc nuối. Thực tế bệnh tâm thần ngày một gia tăng nhưng hiểu biết về căn bệnh này trong cộng đồng còn quá yếu. Hiện số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ không quá 30%, khoảng 70% còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên hoàn toàn không được chăm sóc đúng với bệnh. Vậy mới có hiện tượng nhiều gia đình đã mời thầy cúng về “trừ tà” khi người thân có các hành động, lời nói bất thường thay vì phải đưa họ đến bệnh viện.
TS.BS chuyên khoa La Ðức Cương nhận xét: “Trong suốt hơn 30 năm làm công tác điều trị cho bệnh nhân bị tâm thần, tôi thấy rằng, việc nhìn nhận hiểu đúng về bệnh tâm thần ở người dân vẫn còn quá yếu. Một điều cần phải hiểu là, nếu được chữa trị sớm và đúng phương pháp, nhiều bệnh lý về tâm thần có khả năng chữa khỏi nhưng hầu hết các bệnh nhân đều tiếp cận điều trị muộn nên giảm hiệu quả và khả năng tái phát cao”.
Chính việc hiểu chưa tới mà khi nghĩ về bệnh đại đa số đều có tư tưởng nặng nề, thậm chí là kỳ thị với hai chữ “tâm thần”. Thực tế khi nói đến tâm thần, hầu hết mọi người thường nghĩ rằng, đó là từ chỉ người mắc bệnh điên, khùng. Khi cộng đồng có sự nhìn nhận chưa đúng đối với bệnh lý về tâm thần dẫn đến việc người bệnh ít nhận được sự giúp đỡ của người thân xung quanh nên không thoát ra khỏi tình trạng rối loạn của mình. Trong khi cộng đồng chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc tầm soát những triệu chứng bệnh thì điều kiện khám chữa bệnh về bệnh tâm thần ở Việt Nam lại quá thiếu thốn. Việc người dân tìm đến chuyên gia tâm lý khi đối mặt với những vấn đề trở ngại trong cuộc sống là điều còn xa xỉ, để rồi khi không tháo gỡ được stress và những cú sốc tâm lý thì rối loạn sức khỏe tâm thần lại càng trở nên trầm trọng.
Cũng phải nói thêm rằng, đầu tư cho y tế ở Việt Nam chưa được toàn diện, chủ yếu thiên về vấn đề sức khỏe thực thể, không chú trọng sức khỏe tâm thần. Hiện chăm sóc sức khỏe tinh thần mới chỉ mới dừng ở mức độ chăm sóc, điều trị, cấp phát thuốc khi đã mắc bệnh, còn những vấn đề dự phòng, tầm soát thì còn bị bỏ ngỏ. Vậy nên, mong muốn tránh gia tăng người bị bệnh tâm thần thì thiết nghĩ, người dân vẫn phải tự chủ trước sức khỏe tinh thần của mình. Việc hiểu đúng, hiểu đủ về bệnh tâm thần là một điều cần thiết bởi trước nhiều tác động trong sự phát triển của thời đại mới, với nhiều căn nguyên sinh bệnh thì tự chủ trong sức khỏe của bản thân vẫn là tốt hơn cả.
Ðiều này được TS.BS chuyên khoa La Ðức Cương nhấn mạnh: “Phát hiện những bệnh lý về tâm thần sớm có vai trò rất quan trọng trong việc điều trị, khi được chữa kịp thời và đúng cách thì bệnh nhân có tỷ lệ khỏi rất cao. Còn ngược lại, để càng lâu bệnh lý tâm thần sẽ trở nên rất khó chữa, dễ dẫn đến tàn phế tâm thần. Kết quả là sẽ để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh, cho gia đình và xã hội”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét