(PetroTimes) - Hiện Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, nhưng hằng năm số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, thấp nhất so với các nước trong khu vực, thậm chí còn ít hơn số lượng các bài báo khoa học của một trường đại học của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Số giáo sư, tiến sĩ của xứ ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học nào của chúng ta được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới.
Như mọi người đều biết, là đầu vào của cao học, tiến sĩ, ngoài chuyên ngành học ra thì ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc. Nếu như vậy thì trình độ ngoại ngữ của các ứng sinh phải đạt ở một trình độ đủ để nghe giảng. Nhưng mới đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quyết định loại môn ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc mà là môn thi tự chọn.
Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 khóa XIII là do chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở cấp THPT không đạt yêu cầu, chất lượng thấp, đội ngũ giáo viên không đủ chuẩn, học sinh chủ yếu được dạy về ngữ pháp cho nên tốt nghiệp THPT vẫn không nói được, có nói cũng không ai hiểu. Tóm lại là việc dạy và học ngoại ngữ ở THPT là thất bại.
Việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường đại học cũng không mấy khả quan, chỉ trừ những trường chuyên ngữ, hoặc ngoại giao, còn hầu hết trình độ ngoại ngữ của cử nhân Việt Nam rất kém.
Trình độ ngoại ngữ như vậy, thế nhưng ai mà đi thi cao học hầu hết là đỗ, nếu không may có trượt môn ngoại ngữ thì có cơ sở còn linh động cho nợ đầu vào, vậy thử hỏi rằng, những mảnh bằng thạc sĩ, tiến sĩ liệu có mấy giá trị về khoa học, tri thức? Có những vấn đề về khoa học, học thuật mà nước ngoài người ta đã giải quyết từ lâu, nhưng do “mù” ngoại ngữ nên vẫn tưởng đề tài của mình nghiên cứu là mới.
Cũng không đâu như ta, khi quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, từ cấp phòng trở lên thì ngoài rất nhiều tiêu chí như phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ. Thế là dù một chữ nước ngoài bẻ đôi không biết nhưng cũng phải cố xoay cho bằng được chứng chỉ ngoại ngữ dởm giá vài ba triệu của những trung tâm ngoại ngữ cấp tốc mọc nhan nhản ngoài phố, trên mạng, cần bao nhiêu, trình độ gì cũng có, miễn là nộp mấy ảnh chân dung, kèm theo vài dòng thông tin cá nhân.
Rất nhiều công chức Nhà nước từ lúc trẻ đến khi về hưu, mỗi năm một lần khai bổ sung lý lịch thì có một mục không thay đổi đó là: Trình độ ngoại ngữ thường ghi là: Anh văn bằng B. Tại sao lại không phải là trình độ A, trình độ C. Vì B là mức trung bình, nếu bằng A thì mọi người nghĩ mình dốt, còn bằng C thì lại sợ mọi người nghĩ mình khai man cho nên bằng B là an toàn nhất và chỉ cần khai như vậy là xong chứ có bao giờ tổ chức kiểm tra là cái chứng chỉ ngoại ngữ ấy thật hay là giả, trình độ đến đâu.
Hiện nay ở ta, bất cứ ai cũng có thể ghi danh để dự thi tiếng Anh IELTS, đương nhiên phải kèm theo một số phí ghi danh để lấy chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh do Hội đồng Anh tổ chức mỗi năm 2 kỳ với nội dung thi viết, kiểm tra kỹ năng đọc hiểu và nghe hiểu do giáo viên bản ngữ trực tiếp kiểm tra. Nếu đạt ở trình độ nào thì được cấp chứng chỉ tương đương. Chứng chỉ đó có giá trị toàn cầu, bởi những thông tin rất cụ thể, tỉ mỉ, có ảnh được in trực tiếp vào chứng chỉ, không phải ảnh dán như của ta, mỗi chứng chỉ có một mã số, mã vạch riêng, thông tin được kết nối và lưu giữ tại một trung tâm ở nước ngoài, thành thử không bao giờ có thể làm giả hoặc mua được chứng chỉ ngoại ngữ kiểu này. Mỗi chứng chỉ ngoại ngữ chỉ có giá trị trong 2 năm, quá 2 năm thì không thể mang chứng chỉ đó để đi xin việc, nếu công ty đó yêu cầu ngoại ngữ và buộc phải thi lại, nếu trình độ tiến bộ thì được cấp chứng chỉ cao hơn, nếu không đạt thì sẽ được cấp chứng chỉ có số chấm thấp hơn, chứ không có chuyện như ở Việt Nam, cứ cả đời bằng B là yên tâm, khỏi phải học nữa.
Chính vì trình độ ngoại ngữ như vậy, cho nên dẫn đến hậu quả là chất lượng của các luận án thạc sĩ, tiến sĩ rất có vấn đề vì người học đâu có biết ngoại ngữ mà đọc tài liệu tham khảo nước ngoài để cập nhật những thông tin có thể nói là thay đổi hằng ngày hằng giờ như hiện nay.
Cũng không đâu như ở ta lại có cả dịch vụ viết thuê luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ cần cung cấp nội dung đề tài và một số tiền không nhỏ sẽ có người viết thuê ngay. Cũng từ đó sinh ra tệ đạo luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ, ít thì cũng mươi, mười lăm trang, nhiều thì vài chục trang, chép y xì của những luận án khác cùng chuyên ngành. Bản thân người làm luận án chưa chắc đã cố ý đạo luận văn của người khác, nhưng vì đi thuê người viết thì họ chép của ai, họ đưa cái gì vào thì đâu có kiểm soát được và tình trạng đạo luận văn, luận án không chỉ còn là cá biệt nữa. Đáng buồn hơn, việc đạo này còn xảy ra đối với cả những vị giữ chức vụ phụ trách trường đại học có truyền thống và danh tiếng nhất nhì cả nước, mà báo chí đã từng lên tiếng.
Đạo luận án, mua luận án trong nước còn chưa đã, có quan chức ở địa phương còn chơi sang, bỏ tiền của Nhà nước để mua bằng tiến sĩ rởm của trung tâm đào tạo đại học có tên là Đại học Nam Thái Bình Dương thì thật là hết lời bình.
Cũng không đâu như ở Việt Nam mà tỷ lệ tiến sĩ trong hàng ngũ lãnh đạo lại cao đến vậy. Nếu tính từ hàm thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản.
Theo con số của Bộ GD&ĐT, đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Vậy 15.000 tiến sĩ còn lại ở đâu? Chắc chắn số còn lại là các vị lãnh đạo, công chức, làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.
Một sự thật dẫu chua xót, song cần phải nhìn thẳng đó là tình trạng “tiến sĩ hóa” hoặc “phổ cập tiến sĩ” đối với lãnh đạo và đi kèm là chất lượng của những tấm bằng tiến sĩ kiểu ấy đang rất có vấn đề. Đó là nội dung các luận án không có phát kiến, phát minh gì mới, hoặc đưa ra được những biện giải, đề xuất mang tính đột phá mà chủ yếu là tập hợp tư liệu, rồi so sánh và đưa ra một vài kiến nghị chung chung, nhất là những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, quản lý Nhà nước... phần lớn chỉ là nâng cấp luận văn tốt nghiệp đại học mà thôi, do vậy không áp dụng được vào cuộc sống, hoặc những vấn đề đã rất cũ, giáo điều không cần thiết cho cuộc sống hiện tại, cho nên bảo vệ xong cho dù luận án được hội đồng bảo vệ chấm điểm xuất sắc cũng chỉ đút vào ngăn kéo, hoặc trưng trên giá sách cho oai vậy thôi.
Bộ GD&ĐT đã thấy được chuyện này như trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên chất vấn tại Quốc hội vừa rồi và sắp tới sẽ có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, từ việc thi đầu vào ra sao, rồi điều kiện của các cơ sở được phép đào tạo tiến sĩ, phải có bao nhiêu tiến sĩ cơ hữu của trường mới được đào tạo tiến sĩ, rồi trình độ, năng lực của các thầy hướng dẫn, thầy phản biện, hội đồng bảo vệ...
Giải pháp đã có, nhưng nếu không làm quyết liệt, đến nơi đến chốn mà vẫn buông lỏng như thời gian qua thì sẽ lại thêm rất nhiều “tiến sĩ giấy” gia nhập tầng lớp trí thức tinh hoa của đất nước...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét