Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Không có mắt xanh, lòng thành thì thảm đỏ chỉ đón được kẻ cơ hội

Nguyễn Quang Thân

Một Thế Giới - Đọc Bình Ngô Đại Cáo ta cảm nhận được nỗi lo của Lê Thái Tổ ngày khởi nghiệp (và có lẽ không chỉ ngày khởi nghiệp) ở hai câu: “Nhân tài như lá mùa thu – Hào kiệt như sao buổi sáng”. Đúng vậy, còn gì đáng lo đáng sợ cho một minh quân muốn trị quốc, bình thiên hạ hay khởi nghĩa đuổi giặc xâm lăng ra khỏi bờ cõi bằng thiếu người tài giúp giập?

Không có nhân tài không giữ được nước 

Thiếu lương chỉ nán đợi ngày mùa hay đoàn tiếp tế, thiếu quân vẫn có thể nhìn vào dân các vùng miền. Trần Nhân Tông hào sảng làm thơ trước ngày kháng chiến: “Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (Hoan Diễn vẫn còn (huy động được) mười vạn binh). Nhưng nhà vua vẫn âu lo. 

Chính vì thế mà vị anh hùng triều Trần đã vững tâm chống giặc khi nghe Trần Hưng Đạo nói: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã". Và Trần Thủ Độ: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". 

Hoan Diễn có thể huy động mười vạn quân trong chốc lát nhưng tài nguyên soái, tài chỉ huy và tài thống lĩnh nằm trong hai cái đầu kiệt xuất đang phò tá nhà vua. Trần Hưng Đạo hiến nhà vua một quyết tâm. Trần Thủ Độ hứa hẹn một chiến lược nhất định thắng. Không có hai cái đầu ấy thì Hoan Diễn dù còn mười vạn quân nhà vua vẫn phải phân vân trước thế giặc.

Không có nhân tài thì không giữ được nước, không xây dựng lại được giang sơn. Triều đại suy vong, đô thành sụp đổ, nước mất nhà tan trước hết vì không còn người tài phò vua giúp nước. 

Đó là điều đáng sợ nhất của mọi thời. Như con người thoát dương, kiệt nguyên khí. Như suối cạn nguồn, như đêm tối không sao dẫn đường. Cho nên người xưa mới nói: “...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...” (Thân Nhân Trung - 1419 – 1499).
Đây cũng là mối lo, là điều đáng sợ nhất của ngày hôm nay!

Thiên tài thì dễ thấy vì đó là của Trời cho, là sao, là tinh tú, dù người trần mắt thịt cũng dễ nhận ra, kẻ bất tài cũng khó tiếm vị. Không gì tranh được ngôi vị của Mặt Trời hay sao Kim. Nguyễn Trãi có bị tru di oan uổng rồi vẫn sáng như sao Khuê. Nguyễn Du chỉ muốn mua vui một vài trống canh cho người đọc mà vẫn làm rạng danh giống nòi với kiệt tác Truyện Kiều.

Nhưng người tài thì không “tự sáng” được như thiên tài mà lẩn khuất trong dân, tiềm ẩn khó lường như con rồng có có không không, chỉ khi được dùng thì mới có điều kiện thi thố cái tài của mình ra, lúc đó thiên hạ mới hay đó là người tài.

Không được dùng thì giống như cái bát mẻ vứt bờ ao, ngay cả vợ con cũng khinh dễ. Khổng Tử khi bị thất sủng, không được ai dùng từng than: “Ta như con chó nhà người có tang”. Người tài có đủ mặt khắp mọi lĩnh vực, mọi tuổi tác, từ vị giáo sư đến người thợ, từ cụ già gần miệng lỗ đến em học sinh thần đồng, từ kẻ có bằng cấp hẳn hoi đến anh Hai Lúa mới thoát nạn mù chữ.

Họ là những người dù có mặt ở đâu cũng đều bộc lộ chất “nguyên khí”. Hưng Đạo Vương là thiên tài quân sự. Nhưng Yết Kiêu, Dã Tượng là người tài thủy chiến. Cu Ba là nước trồng chuối xuất khẩu nhiều, người ta không mời giáo sư nước ta đến giúp mà từng thỉnh một bà nông dân Thái Bình sang dạy họ cách giấm chuối chín. Bà ấy là người tài, tạm gọi là có “tầm thế giới”.

Từ chiếc đũa đến cái gọt mướp vẫn không thấy dấu ấn người tài Việt

Tìm người tài khó vì họ là của hiếm, kẻ thực tài thường không có máu cơ hội “tự tiến cử” hay tìm cách quảng cáo cho mình. Tuy khó thế nhưng tạm có hai cách cơ bản để gọi là sàng lọc bước đầu là qua thi cử, phỏng vấn nghiêm ngặt hoặc kết quả thực tế của công việc. Tất nhiên, phải giả thiết rằng thi cử là nghiêm túc, không chạy không mua hoặc sự đánh giá thành tựu cũng khách quan như thế.

Nhân tài thì thời nào cũng hiếm (như lá mùa thu), đã hiếm thì quý, khó nhận ra, rất dễ vàng thau lẫn lộn, nhất là thời đại copy, dán mọi thứ trong nháy mắt y chang như thật. Khác với một thời chưa xa, khi nước ta vừa thoát vòng nô lệ, chỉ có dăm ông tiến sĩ, một nhúm kỹ sư, bác sĩ. 

Một Trần Đại Nghĩa, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn khắc Viện, Nguyễn Xiển, Phan Anh, Đặng Phục Thông v.v. mà đã đủ để lại những dấu ấn không phai mờ trong ký ức dân tộc, phát quang được một đoạn khá dài con đường nâng cao dân trí, góp phần không nhỏ giành thắng lợi trong chiến tranh giải phóng, mở đường hướng tới khoa học kỹ thuật hiện đại. Trong tuổi thơ, tôi thấy họ cao sang, tâm huyết với đời làm sao! Thế hệ người tài ấy đúng là “nguyên khí” làm cho “thế nước mạnh mà hưng thịnh” như người xưa từng nói.

Chúng ta không thiếu người có bằng cấp. Theo số liệu gần đây, cả nước có 13.500 TSKH, 1.094 GS, 4951 PGS. Cử nhân, kỹ sư thì vô kể, riêng số còn thất nghiệp đã lên tới trên 150 ngàn người. Nhưng sao nhiều năm lại đây không thấy sản phẩm hay chí ít thì cũng là dấu ấn của người tài. Không có công trình khoa học nào vang dội, có sức nặng trong  thực tế. Không có tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, sân khấu hay văn học nào lay động lòng người như đã từng có (dù rất hiếm hoi) trước đây.

Phim thì Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm lĩnh, nhạc thì “thảm họa”, lai căng. Từ chiếc đũa đến cái gọt mướp vẫn không thấy dấu ấn người tài Việt. Mấy phát minh đình đám có hiệu quả kinh tế xã hội ít nhiều thì đều do “người tài” nông dân chân đất, nhiều khi chỉ mới đọc thông viết thạo.

Đại học là nơi hun đúc nguyên khí quốc gia, có thể nhiều “thủ khoa”, nhiều học sinh giỏi, nhưng không thấy mấy người tài, bởi tài thì phải cho người ta sờ được sản phẩm, thực tế cho thấy như thế, không oan.

Không có mắt xanh, lòng thành thì thảm đỏ chỉ đón được kẻ cơ hội

Có thể người tài vẫn có đó, vẫn còn nhiều đó nhưng tại sao “không phát hiện được người tài”? Vì người tài thường có phẩm chất tự trọng, tự tin, họ tin vào cái tài của mình như Lý Bạch luôn tin “thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời cho ta cái tài này tất sẽ được dùng), họ không xin việc cũng có người mời, không có người mời cũng có thể tự sống khá, không như kẻ bất tài quỵ lụy xin từ cái giải thưởng đến huân chương! Bởi thế phải có “mắt xanh” mới nhìn ra họ.

Với cách sàng lọc được ưa chuộng hiện nay khi gộp hai chữ “đức tài” chung chung làm một, với tệ mua quan bán chức lan tràn thì người tài (thường có tật mà tật “nguy hiểm” nhất là hay hoài nghi, phản biện) đã rơi đài ngay khi chọn chức tổ trưởng lớp mẫu giáo!

Còn vì sao “chính sách đãi ngộ chưa thu hút được người tài”? Bởi vì hai bên chưa hiểu nhau. Người rải thảm đỏ nhầm tưởng rằng người tài thích đi trên thảm đỏ. Cũng nhầm tưởng họ ham lương cao bổng hậu, nhà cao cửa rộng. Không, người tài (từ anh Hai Lúa đến vị GS) tuy ai cũng mong có cuộc sống vật chất khá giả nhưng điều họ yêu quý hơn là sự tôn trọng, cởi mở và tri kỷ của người muốn dùng cái tài của mình. Họ mong những “ông chủ” có thể ít học nhưng phải tâm huyết vì dân, phải cho họ sự tự do suy nghĩ, sáng tạo và đặc biệt là biết lắng nghe những lời nghịch nhĩ, thẳng thắn từ trái tim chân thành và bộ óc “có tài” của họ.
Không có mắt xanh, lòng thành thì thảm đỏ chỉ đón được kẻ cơ hội mà thôi!

Người tài mọn, người tài lớn đều ở trong dân, từ trong dân mà ra, chẳng phải kiếm đâu xa, lúc nào cũng có. Lãnh đạo biết khơi nguồn, biết tôn trọng và sử dụng đúng cách để họ tự tin “trời cho ta có tài tất sẽ có chỗ dùng” mà không nản chí. 

Tôn trọng không phải chỉ nói suông, ve vuốt hay tâng bốc, lấy lòng chốc lát. Kẻ tâm không sáng, ham hố danh lợi, thường không phải người thực tài. Người thực tài thường chỉ muốn thi thố cái tài của mình để giúp đời. Nhưng họ cũng phải có chút quyền, đó là quyền được sáng tạo và độc lập suy nghĩ, quyền được công nhận giá trị thực của bản thân và quyền được giữ nhân cách. 

Họ cũng như người bình thường, muốn đủ sống và có mức sống xứng đáng với những gì tài năng họ đưa lại. Thành tâm tôn trọng người tài là biết dành cho họ không gian tự do sáng tạo, đúng thì nghe theo, sai cũng không kỳ thị. Đưa kẻ bất tài vô đức ngồi lên cổ lên vai người tài là thảm họa, bởi “ai mà chịu đựng được sự miệt thị của kẻ bất tài với đức tài nhẫn nhục?” (Shakespear – Hamlet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét