Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Zone 9 và quyền tự chủ không gian đô thị

Nguyễn Minh Hòa (*)

Mấy ngày nay, trên mạng sôi nổi bàn tán về số phận Zone 9. Nó trở thành một hiện tượng nhiều người biết đến mức chỉ cần nói Zone 9 là đủ, không cần giải thích gì thêm nữa. Và cuối cùng, Hà Nội cũng đã ra quyết định đóng cửa khu vui chơi phức hợp này.

Chưa bàn đến lý do pháp lý của quyết định này cũng như thiệt hơn của những đối tác làm ăn tại đây theo các hợp đồng kinh tế, song từ hiện tượng Zone 9 có thể thấy nhu cầu thật của giới trẻ và không gian đô thị giàu bản sắc có thể xuất phát từ tính tự chủ của thị dân.

Không gian sáng tạo

Nhìn lại gần 30 năm sau đổi mới, nhờ có không khí ấy mà giới trẻ bây giờ có lắm cách chơi thật mới lạ, rất đa dạng và phong phú.

Nhưng ngồi mà ngẫm thì hình như vẫn có chút băn khoăn, rằng chẳng có thứ trò nào nổi đình đám đang có trên thế giới và ở Việt Nam là do thanh niên ta sáng tạo ra mà chủ yếu là có nguồn gốc từ bên ngoài. Từ hip-hop, graffiti, flashmob, skateboard gangnamstyle, beatbox… đến gần đây là The voice, Thách thức cùng bước nhảy, Vietnam’s got lalent,…rồi các trò chơi khoa học có tính giải trí như Robocon, Đường lên đỉnh Olympia, Ai là triệu phú, …đều là hàng nhập khẩu.

Nếu nói thanh niên Việt Nam kém cỏi quá, không có khả năng sáng tạo thì không hẳn. Những ai đã học tập ở nước ngoài mới thấy sinh viên Việt Nam không thuộc nhóm học giỏi nhất, nhưng lại thuộc nhóm rất linh hoạt, láu lỉnh, nhiều chiêu trò, bất cứ trò nào cũng có những hoạt động phá cách, vậy thì tại sao họ (hoặc chính chúng ta, bởi ai cũng có lúc trẻ) không tạo ra được những đợt sóng dù là nhỏ cho thiên hạ biết và tạo ra nhãn mác của riêng mình.

Cũng giống như những sáng tạo trong khoa học, trong sản xuất, việc sáng tạo trong chơi (một hoạt động cực kỳ quan trọng cho thời gian nhàn rỗi trong xã hội hiện đại) phải có được hai điều tối thiểu: một là không gian vật lý cho sáng tạo (physical space) và hai là môi trường quan hệ xã hội kích thích sáng tạo.

Xét trên cả hai phương diện này thì ở đất nước ta không có, hoặc có thì cũng quá yếu ớt chưa đủ để tạo ra sự bùng nổ sáng tạo. Ở bất cứ thành phố nào của các nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, cũng như các thành phố lớn ở các nước phát triển Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đều có những không gian sáng tạo đúng nghĩa cho người trẻ.

Đó có thể là một công viên, một cánh rừng, một khu dân cư tạm thời không sử dụng, một khoảng đất trống lớn, những câu lạc bộ, thậm chí là những mảng tường, những khoảng trống trong thành phố dành cho giới trẻ. Philippines dành hẳn ra một thành phố Subic, vốn trước đó là khu quân sự của Mỹ cho thanh niên tự do chơi, đảo Cheju của Hàn Quốc cũng là thiên đường cho các hoạt động nghệ thuật sáng tạo.

Nhiều nước dành hẳn những hòn đảo ở giữa các hồ, những cánh rừng tuyệt đẹp cho thanh niên. Ở đó các ý tưởng trẻ trung gặp nhau, những sáng kiến bất ngờ được nảy sinh và nuôi dưỡng, các nhóm bạn cùng chí hướng kết lại với nhau, tập trung sức tạo những thử nghiệm đột phá. Chính từ môi trường này mà các ý tưởng khoa học, các trò chơi lành mạnh ra đời.

Nhà nước lo hay dân chủ động?

Quay trở lại bối cảnh của Việt Nam, từ xưa tới nay việc giải trí của nhân dân nói chung, của giới trẻ nói riêng mặc định là chuyện của nhà nước và được nhà nước lo. Từ tổ chức vật chất như công viên, nhà hát, rạp chiếu bóng, sân thể thao, câu lạc bộ, đến nội dung, chương trình, hình thức đều do nhà nước quyết định, do vậy mà những cơ sở đó là của công lập.

Việc bao cấp cả về vật chất lẫn nội dung được coi là ưu việt nếu khả năng bao cấp tài chính lớn, nhưng do nguồn lực của nhà nước hạn chế trong khi nhu cầu của con người ngày càng đa dạng cho nên các cơ sở vật chất này vừa thiếu vừa nghèo nàn, đơn điệu.

Lâu dần trong xã hội Việt Nam hình thành nên một loại thiết chế văn hóa bao cấp không chỉ về tài chính mà cả về đường lối, loại hình. Hệ thống thiết chế này có tiền thì làm, không có thì thôi, chưa kể còn đẻ ra những quan chức văn hóa và cơ chế xin-cho rất nặng nề.

Những hoạt động văn hóa và giải trí mang tính sáng tạo của tư nhân, cá nhân, các nhóm xã hội dân sự như nhóm tôn giáo, nhóm sở thích rất khó phát triển vì bị soi quá kỹ, thậm chí bị cấm đoán, bị hạn chế bởi người quản lý. Chính từ cách quan niệm và hành xử như thế đã làm thui chột sự sáng tạo, bóp chết những ý tưởng táo bạo, những cái mới manh nha.

Nếu hiểu rộng ra thì đó cũng chính là nguyên nhân tại sao ở Việt Nam không hình thành được các trường phái học thuật, trường phái nghệ thuật, mỹ thuật mà phần lớn là sự sao chép. Một điều nên biết là những cái mới thường là lạ, phi truyền thống và đôi khi làm gai mắt người quản lý nên dễ bị cấm đoán cho “nó lành”.

Còn nhớ cách nay vài năm, công an đã nhiều lần bắt giam những người đầu tiên biểu diễn nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt (installation) và nghệ thuật hình thể (body art) nơi công cộng. Những thanh niên tập Híp hop, Breakdance, Skateboard, Dancesport ở góc phố, công viên bị coi là đám càn quấy phá rối trật tự trị an của xã hội. Ở các nước phát triển, một trong số các nhiệm vụ quan trọng của thị trưởng và hội đồng thành phố là phải tạo ra chỗ chơi cho thanh niên, điều đó không chỉ đơn thuần là chuyện dân sinh mà còn là nhiệm vụ chính trị.

Nhân đây cũng phải nói là TPHCM và nhiều thành phố khác của nước ta trong tình trạng tương tự là hết chỗ chơi cho dân, chỗ giải trí thông thường chứ đừng nói đến chỗ chơi sáng tạo, bằng chứng là vào cuối tuần và nhất các các ngày lễ dài ngày dân Sài Gòn không thuộc nhóm khá giả không biết đi đâu. Chả lẽ tháng nào cũng cứ đến Suối Tiên, Đầm Sen, còn đi du lịch thì túi tiền eo hẹp

Trong hoạt động sáng tạo, nhất là về văn hóa nghệ thuật, trong đó có vui chơi giải trí nhất định sẽ có những rủi ro nào đó như cháy nổ, tai nạn, va chạm và cả những sáng tạo thái quá, đôi khi vượt khỏi khuôn phép truyền thống. Dẫu có như thế thì người quản lý giỏi chính là người sáng suốt vượt qua định kiến (đôi khi đã quá cổ hủ) tạo điều kiện pháp lý mở đường cho cái mới, cùng chung tay làm sao vừa để nuôi dưỡng cái mới vừa giảm thiểu đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.

* PGS.TS Xã hội học, trưởng khoa Đô thị học, phó chủ tịch hội đồng Qui hoạch và phát triển đô thị TP.HCM

Người Đô Thị 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét