Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

Nhiều điều lộ ra sau phiên tòa gây phẫn nộ

Tuần VNN - Vậy là qua một vụ xét xử đã lộ ra khá nhiều điều về sự độc lập của thẩm phán.

Quan hệ chằng chịt

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 5 công an đánh đập dẫn đến tử vong một người dân bị nghi ăn cắp đã khép lại. Trái với mong đợi của rất nhiều người, hội đồng xét xử đưa ra bản án không thỏa đáng, gây phản ứng gay gắt.

Sau phiên tòa, trả lời báo chí của ông Chánh án TANDTC TP Tuy Hòa càng "đổ thêm dầu vào lửa", làm cho người ta ngao ngán về trình độ, phẫn nộ về thái độ hờ hững, vô tư lự, thiếu trách nhiệm với quyền của người dân...

Đặc biệt, những lời lẽ đó cho thấy một vấn đề cốt lõi của hệ thống tòa án, cũng là trọng tâm của cải cách tư pháp - đó là độc lập tư pháp, hay nói cách khác nguyên tắc đã được ghi trong Hiến pháp, các Bộ luật, Luật: Thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.

Sổ tay thẩm phán của TANDTC Việt Nam đã trích dẫn lại câu nói của C. Mác "Cấp trên của quan toà là luật pháp". Sổ tay này chỉ dẫn: Khi xét xử, Thẩm phán độc lập, không bị ràng buộc bởi ý kiến của bất cứ ai, không bị chi phối bởi ý kiến của ai. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của Thẩm phán. Khi xét xử, Thẩm phán phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để đưa ra ý kiến, quyết định của mình về từng vấn đề của vụ án, không được tuỳ tiện hay bằng cảm tính.

Các thẩm phán trong hội đồng xét xử vụ án nói trên và ông Chánh án chắc đều đã thuộc lòng những hướng dẫn này. Tuy nhiên, diễn biến và kết quả phiên xét xử, nhất là trả lời phỏng vấn của Chánh án cho thấy, dù không trực tiếp nói ra, rõ ràng là các thẩm phán đã chịu tác động từ những mối quan hệ chằng chịt ở địa phương khi xét xử.

Kết quả của phiên tòa trái với mong đợi và làm thất vọng nhiều người, nhưng không ai ngạc nhiên. Bởi lẽ, như lâu nay nhiều ý kiến đã phân tích, nhất là của các chuyên gia pháp lý, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sự độc lập của thẩm phán, dẫn đến những kết quả tương tự như trong vụ án này.

Trước hết, ngay bản thân việc ông Chánh án đứng ra biện luận thay cho các thẩm phán trực tiếp xét xử đã cho thấy điều gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa chánh án và các thẩm phán cùng tòa. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, mối quan hệ giữa chánh án và thẩm phán ở Việt Nam giống như quan hệ thủ trưởng - nhân viên, chứ không phải là giữa các quan tòa vốn phải có vị thế bình đẳng.

Mối quan hệ hành chính đó chi phối hoạt động của thẩm phán, hội thẩm, hạn chế hoặc làm mất đi tính độc lập của thẩm phán hay hội thẩm khi tham gia xét xử. Hơn nữa, trong hệ thống chính quyền nói chung, thẩm phán ở Việt Nam cũng chỉ được coi là một công chức, với vị thế, những quy trình, thủ tục bổ nhiệm, lương, mối quan hệ công tác của một công chức, chứ không có được vị thế của những người "cầm cân nảy mực", bảo vệ công lý, có vị thế tách biệt, cao quý như ở nhiều nước.

Mặt khác, hệ thống toà án ở Việt Nam hiện nay được tổ chức theo đơn vị hành chính - lãnh thổ. Điều này dẫn đến tình trạng là thẩm phán, và trong một số trường hợp cả chánh án cũng bị chi phối bởi các ý kiến của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi toà án đặt trụ sở. Trong hoạt động chuyên môn, nếu việc xét xử ấy không phù hợp với chủ trương, ý chí của cấp uỷ, chính quyền địa phương thì có thể bị địa phương đánh giá không tốt.

Là người chịu sự quản lý về nghiệp vụ của toà án cấp trên, nhưng chánh án, thẩm phán toà án ở các địa phương lại đồng thời chịu sức ép từ chính quyền địa phương, nên trong công tác xét xử, thường là không thể độc lập hoàn toàn. Ngoài ra, trong vụ án này, các bị cáo là công an, tức là người của cơ quan nhà nước ở địa phương. Như ông Chủ tịch UBND Phú Yên khẳng định, về nguyên tắc, chính quyền địa phương không can thiệp vào công việc chuyên môn của tòa án.

Mọi người đều muốn tin rằng, về nguyên tắc, có lẽ không ai trực tiếp chỉ đạo hay gợi ý với chánh án hoặc các thẩm phán cần xử thế này, thế kia. Nhưng như trả lời của ông chánh án, trên thực tế, đứng trước các mối quan hệ nhằng nhịt cả trong công việc và cuộc sống, thẩm phán "phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn", "làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt".

Công lý, quyền lợi của dân là tối thượng

Vậy là qua một vụ xét xử đã lộ ra khá nhiều điều về sự độc lập của thẩm phán. Nó cho thấy, cần có những điều kiện để củng cố sự độc lập này như: Tổ chức tòa án theo khu vực chứ không theo đơn vị hành chính; Đổi mới quy trình, cơ chế bổ nhiệm thẩm phán theo hướng giảm sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương; Bổ nhiệm suốt đời, hoặc kéo dài thêm nhiệm kỳ của thẩm phán; bỏ cơ chế thỉnh thị, cơ chế duyệt án (trừ việc trao đổi nghiệp vụ giữa các cấp toà với nhau) như nó đã và đang tồn tại ở một số toà án địa phương; Sửa đổi một cách tổng thể chế độ, chính sách đãi ngộ cho thẩm phán tăng "sức đề kháng" trước cám dỗ vật chất; Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhất quán, kịp thời để thẩm phán khi xét xử có cơ sở pháp lý vững chắc và chỉ tuân theo pháp luật; Công khai hoá bản án, quyết định của Toà án, trừ một số bản án, giúp công chúng thấy rõ quan điểm của toà án, giám sát quá trình, chất lượng xét xử.

Riêng phiên tòa Tuy Hòa còn một lần nữa làm nổi lên một vấn đề đã từng được tranh luận nhiều, nhất là trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, đó là có nên bỏ chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát (VKS). Mặc dù cuối cùng trong Hiến pháp sửa đổi VKS vẫn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nhưng vụ án Tuy Hòa cho thấy, tòa án TP Tuy Hòa đã không muốn làm căng với Viện Kiểm sát, không muốn "ôm rơm rặm bụng". Không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia pháp lý đã cho rằng, việc bỏ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS sẽ góp phần giúp hội đồng xét xử độc lập, khách quan hơn khi xét xử.

Tuy nhiên, việc thiếu những điều kiện khách quan nói trên là nguyên nhân, chứ không biện hộ được kết quả của phiên tòa ở Tuy Hòa. Người dân bình thường, nhất là vợ con, người nhà của người đã mất chỉ quan tâm một điều: hãy trả lại cho họ sự công bằng.

Do vậy, điều quan trọng nhất là sự độc lập nằm trong mỗi thẩm phán. Chỉ khi thẩm phán có một tầm chuyên môn cao với cái tâm trong sáng, tôn trọng lẽ phải, công bằng, thì mới không chịu chi phối từ những tác động bên ngoài.

Khi đó, thẩm phán sẽ có niềm tin nội tâm vững chắc để độc lập xét xử, phán quyết chỉ dựa trên kết quả tranh tụng theo Hiến pháp và pháp luật, hướng đến lẽ phải, công lý. Khi đó, cùng với vị thế đáng ra phải có của người "cầm cân nảy mực", đối với thẩm phán, quyền lợi của người dân, lẽ phải, công lý là điều tối thượng, chứ không phải làm sao "để giải quyết cho an toàn; "bảo đảm mối quan hệ cho tốt".

Nguyên Lâm


Một vài phát ngôn Chánh án TANDTC TP Tuy Hòa được công khai với dư luận

- Chúng tôi phải biết chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn. Trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt.

- Có những cái cần nói rõ nhưng cũng có những cái không nên nói, nói càng phức tạp, rối rắm, gây ra dư luận không tốt. Cái này mình đã trả rồi mà người ta không làm thì chỉ xử theo truy tố đó thôi. Ôm rơm nặng bụng.

- VKSND không truy tố thì mình xử theo phạm vi truy tố của VKS, chứ chuyện gì phải căng thẳng"; "xét xử còn có phúc thẩm"; "70 vết thương trên người nạn nhân, nhìn thấy kinh. Cả đám đông đấy mà hỏi ai cũng nói không biết, không nhớ gì hết. Hết sức phức tạp, làm gì được nữa?"; "Bỏ lọt hả? Có cái cũng đành vậy chứ"; "Tôi thấy đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét