Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Không khéo lại “chủ nghĩa... Tiến sĩ”?

Khánh An

(PetroTimes) - Theo kế hoạch mà Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công bố trong năm 2014, tỷ lệ đào tạo Tiến sĩ sẽ tăng khoảng 7% và chỉ tiêu Thạc sĩ tăng 5% so với chỉ tiêu năm 2013 để phục vụ cho mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đưa ra là đào tạo 20.000 tiến sĩ năm 2020.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 Tiến sĩ và 101.000 Thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.

Nhu cầu nguồn Tiến sĩ tăng cao?

Theo chủ trương đào tạo được 20.000 Tiến sĩ của Bộ GD-ĐT, mỗi năm chúng ta phải đào tạo trung bình 2.500 tiến sĩ. Trong khi đó từ năm 1976 đến hết năm 2005 mới đào tạo được gần 8.400 tiến sĩ, trong số đó có 30% luận án tiến sĩ chất lượng yếu.

Như vậy, từ nay tới năm 2015, số lượng Tiến sĩ cần được đào tạo hàng năm lớn gấp hơn 5 lần năm 2005. Nhu cầu về nguồn tiến sĩ tăng cao là để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học, chấm dứt tình trạng “cử nhân dạy đại học” vốn đã tồn tại nhiều năm qua trong hệ thống giáo dục ĐH của nước ta.

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong số hơn 61.000 giảng viên đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), hiện mới có 6.200 Tiến sĩ (10%), gần 23.000 Thạc sĩ (37%), và gần 2.300 Phó giáo sư, Giáo sư (gần 4%). Số giảng viên có trình độ ĐH, CĐ hiện vẫn chiếm tới hơn 31.000 (xấp xỉ 50%). Vì thế, câu chuyện chất lượng đào tạo Tiến sĩ, cấp đúng bằng cao cho người học cao vẫn trở thành vấn đề thời sự.

Để có được tấm bằng Tiến sĩ, người học phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ. Đầu tiên, nghiên cứu sinh (NCS) phải đảm bảo điều kiện tối thiểu để được dự tuyển là thi chuyên ngành và thi ngoại ngữ. sau khi phải đạt các tiêu chuẩn cứng trên rồi, học viên phải bảo vệ đề tài của mình. Yêu cầu NCS phải đưa cả dự kiến nội dung luận văn (chi tiết đến từng đề mục trong từng chương).

Khi đã đỗ, được vào học, các học viên phải trải qua 4 năm nghiên cứu, mỗi học viên sẽ có một đề tài để theo suốt 4 năm. Chỉ tiền học phí cũng đã khoảng 80 triệu, cộng thêm các khoản tiền đào tạo thì tính sơ sơ, để học hết tấm bằng số tiền cũng lên tới 200-300 triệu.

Quá trình làm luận văn của NCS thì vô cùng gian nan vất vả. Cơ sở vật chất thì thiếu thốn, sách báo, kinh phí cho nghiên cứu khoa học không có, NCS phải tự bỏ tiền túi, chưa kể những nghiên cứu nào phải làm thí nghiệm tốn kém.

Bên cạnh đó, với 30% luận án tiến sĩ chất lượng yếu, tương đương với hơn 2.500 tiến sĩ chất lượng thấp, mà về thực chất họ đã không đạt được trình độ tiến sĩ, và chắc hẳn là nhiều người trong số đó không có khả năng sáng tạo ý tưởng khoa học mang tính đột phá, do đó không có khả năng hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Trong số tiến sĩ còn lại, không biết bao nhiêu người dùng các phương tiện khác để đạt được bằng tiến sĩ, ngoài nỗ lực chuyên môn. Hẳn là có rất nhiều tiến sĩ hiện nay chỉ ở trình độ trung bình, có nhiều lĩnh vực không có công trình nào mang tính đột phá trong hai chục năm gần đây.Thế nhưng, cho đến nay nhìn lại cách đào tạo của Việt Nam dường như chưa đúng với những mục tiêu đề ra.

PGS.TS Phạm Bích San, Trưởng ban Tư vấn, Phản biện và giám định xã hội, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cũng thẳng thắn đưa ra vấn đề: “Trong khi thực tế xã hội chúng ta đang có nhu cầu rất cao đối với những người có chức danh tiến sĩ nhưng làm công việc của tiến sĩ. Đáng ra tiến sĩ là phải đi làm đào tạo cho bậc đại học trở lên thì nay lại đi làm quản lý. Và cũng dễ hiểu khi quản lý là nghề có thu nhập rất cao. Do vậy khi cần tìm người làm việc thật và được việc sẽ là rất khó khăn”.

Nhiều Tiến sĩ, ít chất xám

Tại buổi đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học Công nghệ (KHCN) sửa đổi tại Hà Nội, Phó tổng thư ký VUSTA Phạm Bích San đã nhấn mạnh, không có một trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới, số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một đại học Thái Lan. Thế nhưng số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Hồ Uy Liêm (nguyên Phó chủ tịch VUSTA) cho hay ngay các công trình chuẩn khoa học của nước nhà cũng rất ít. Chúng ta chỉ ngồi nhà khen nhau, bệnh thành tích lan tràn. Trong khi bắt tay vào làm thì lại có nhiều lý do để “sợ” đủ thứ. Đại diện VUSTA khẳng định, Việt Nam chưa bao giờ thống kê được có bao nhiêu đề tài khoa học được nghiên cứu, bao nhiêu phần trăm đề tài đó được ứng dụng trong cuộc sống. Người làm đề tài ít để ý cái mình làm có bị trùng hay không. Thậm chí, người đi sau làm trùng đề tài lại được đánh giá tốt hơn…

Thống kê của Bộ KH-CN và các chuyên gia cho thấy trong 5 năm (2006 - 2010) cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế; đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.

Từ thực trạng này, đại diện VUSTA đề xuất khoán gọn và trả tiền theo kết quả được đánh giá bởi các nghiệm thu nghiêm túc. Hiệu quả công việc phải đo bằng kết quả, còn đánh giá công nghệ thì phải để cho đăng ký bằng phát minh và thị trường làm việc.

Bên cạnh đó, đánh giá của Sách Trắng 2014 của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy tỷ lệ các công ty nước ngoài khẳng định phải đào tạo lại đội ngũ nguồn nhân lực nội địa luôn ở mức từ 40% đến 50%. Tình hình càng bi đát hơn khi theo một nghiên cứu gần đây của Viện Thông tin - Truyền thông quốc gia, 70% sinh viên tốt nghiệp ngành này cần phải qua đào tạo lại mới có thể đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Với gánh nặng về học phí, cũng như chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, chắc hẳn Bộ GD-ĐT còn quá nhiều việc phải làm để có được đội ngũ tiến sĩ có chất lượng, cũng như chấm dứt tình trạng tiến sĩ “giấy” nhiều hơn tiến sĩ thật.

Ngành giáo dục đang tuyên chiến với chủ nghĩa thành tích trong dạy và học. Nhưng qua kế hoạch đào tạo thêm 2 chục ngàn Tiến sĩ này, không khéo lại mắc bệnh “chủ nghĩa… Tiến sĩ”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét